Thứ Hai

Bài toán thiếu kho lạnh: Miếng bánh ngon đang còn bỏ dở?

Việc đầu tư vào kho lạnh được xem là mảng khá tiềm năng bởi hiện tại cung đang thiếu so với cầu. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp chế biến tự chủ động đòi hỏi số vốn đầu tư lớn và nguồn hàng thường xuyên để tiết tận dụng tối đa nguồn tài nguyên của kho lạnh.

Thiếu kho lạnh ngay trong thời gian cao điểm

Theo Công ty Tư vấn bất động sản toàn cầu (JLL), xu hướng người tiêu dùng chuyển sang ‘đi chợ’ trực tuyến đang thúc đẩy nhu cầu đối với kho lạnh chứa hàng, phân khúc vốn đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng ở tất cả các nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, điển hình là lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, lớn thứ ba trên thế giới, và cũng là ngành chiếm nhiều diện tích kho lạnh nhất. 

“Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch, 30% đến 50% đơn đặt hàng xuất khẩu thủy sản đã bị hủy dẫn đến hàng tồn kho leo thang và các kho lạnh phải hoạt động công suất tối đa,” theo bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL nhận định.

Đối với ngành rau quả, trao đổi với người viết ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết hiện tại nhu cầu kho lạnh ở các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hàng đông lạnh rất bức thiết.

“Năm nay do tình hình dịch COVID-19 nên doanh nghiệp không thể xuất hàng đi trong khi đang ở thời kỳ cao điểm của vụ thu hoạch nhiều loại hoa quả, dẫn đến tồn kho còn rất nhiều. Điều này khiến nhu cầu kho lạnh tăng cao”, ông Nguyên cho biết.

Ông Nguyên cho rằng nếu tình trạng thiếu kho lạnh như hiện nay vẫn tiếp diễn, các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn thu mua hoa quả của người dân, nhất là trong giai đoạn thu hoạch như hiện nay. 

Theo trang Climate Links, việc không bảo quản rau quả sau thu hoạch ở nhiệt độ thích hợp có thể dẫn đến tỷ lệ thất thoát lên tới 30 - 50%.

Trong khi đó, theo Cục Trồng trọt sản lượng trái cây trong năm nay dự kiến thu hoạch gần 14 triệu tấn. Trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,3 tỷ USD, tăng 9,5 so với cùng kỳ năm 2020. Sản ượng vải 2021 tại 3 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên ước đạt 250 nghìn tấn, trong đó 50% khối lượng cần được xuất khẩu.

Tại một hội nghị về thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết khi đơn hàng xuất khẩu giảm dần dẫn đến áp lực ngày càng cao đối với chi phí lưu kho, nhất là kho lạnh để bảo quản nông sản và vốn ứ đọng hàng hóa.

Tại sao doanh nghiệp chế biến không tự xây kho lạnh?

Câu trả lời chính là nguồn cung hàng hóa trữ trong kho lạnh không thường xuyên bởi rau quả chỉ có tính thời vụ.

Theo ông Nguyên: “Nếu nhu cầu tích trữ rau quả kho lạnh thường xuyên thì doanh nghiệp mới đầu tư. Nhưng nếu một năm mới có vài vụ thu hoạch rau quả thì hiệu quả kinh tế việc đầu tư kho lạnh không cao. Bởi những thời điểm không có hàng để tích trữ, doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bảo trì, lãi ngân hàng, bảo vệ, nhân viên vận hành…”

Hiện nay, có 3 nguồn cung kho lạnh chủ yếu. Đầu tiên là doanh nghiệp chế biến tự đầu tư; thứ hai là doanh nghiệp đầu tư chuyên về khô lạnh để cho thuê và cuối cùng là kho ở các hợp tác xã. 

Trong đó, loại hình doanh nghiệp chế biến tự đầu tư kho lạnh tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp thủy sản bởi nhu cầu trữ hàng đông lạnh lúc nào cũng có.

Còn tiếp...

Tham khảo: https://vietnambiz.vn/bai-toan-thieu-kho-lanh-mieng-banh-ngon-dang-con-bo-do-20210607193533459.htm 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét