Lạm phát nửa đầu năm 2018 đã áp sát mục tiêu Quốc hội đề ra. Chính phủ và các bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lên chỉ số giá tiêu dùng.
Tại hội thảo Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2018 do Viện Kinh tế tài chính tổ chức sáng 3-7 ở Hà Nội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương Nguyễn Lộc An cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng nhóm giao thông tăng 5,68% do mặt bằng giá xăng dầu tăng cao.
Ẩn số giá xăng dầu, thịt heo
Ông Nguyễn Lộc An dự báo thời gian tới, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn xu hướng tăng; lương cơ bản của các đối tượng hưởng lương ngân sách và lương cơ sở trong cơ cấu tính giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng; thuế môi trường tăng; một số mặt hàng tăng do yếu tố mùa vụ… Từ đầu năm đến nay, nhóm hàng nhiên liệu năng lượng dù được bảo đảm nguồn cung nhưng do chiều hướng biến động nên giá bán lẻ đã tăng khá mạnh và có xu hướng tăng thêm: xăng E5 tăng 1.368 đồng/lít, dầu diesel tăng 2.291 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2.437đồng/lít và ma-dút tăng 2.055 đồng/kg.
Giá thịt heo là 1 trong 2 ẩn số tác động mạnh lên lạm phát từ nay đến cuối năm Ảnh: TẤN THẠNH
Dẫn số liệu của Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, các chuyên gia cho rằng so với thời điểm cuối năm 2017, giá bán lẻ tối đa các mặt hàng xăng dầu trong nước đã tăng từ 7,5%-17,9%, góp phần đẩy CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017 trong khi mục tiêu cả năm Quốc hội đặt ra là dưới 4%. Do đó, áp lực từ giá xăng dầu lên lạm phát không thể coi là "chuyện nhỏ", nhất là khi tác động đó đánh vào yếu tố tâm lý.
TS Đỗ Đức Độ, Viện Kinh tế tài chính, cho rằng có 2 ẩn số đối với lạm phát trong những tháng cuối năm 2018 là giá xăng dầu và giá thịt heo. "Nếu giá dầu, giá thịt heo không tăng tiếp mà neo ở mức cao như hiện nay và lạm phát tăng trung bình không quá 0,14%/tháng thì lạm phát trung bình cả năm sẽ ở mức 3,4%-3,5%. Trường hợp giá dầu và thịt heo tiếp tục tăng mạnh, lạm phát tổng thể tăng trung bình 0,37%/tháng thì lạm phát trung bình cả năm ở mức 3,8%-3,9%" - TS Độ phân tích.
Chưa nên tăng kịch trần thuế môi trường xăng dầu
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, rủi ro lớn nhất đối với kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm 2018 là giá dầu thế giới có xu hướng tăng vượt dự kiến khiến CPI tổng thể sẽ lớn hơn so với năm 2017. Mặc dù đây là yếu tố khó dự báo song mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% là có thể thực hiện.
Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng buộc phải điều chỉnh giá bán lẻ trong nước, để hạn chế áp lực tăng giá xăng dầu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, kiến nghị chưa áp thuế bảo vệ môi trường kịch trần đối với xăng dầu.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê, cho rằng nếu sắp tới đây, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tăng kịch trần như đề xuất của Chính phủ sẽ tạo thêm sức ép lên mặt bằng giá cả, CPI sẽ bị tác động tăng thêm 0,27%-0,29%. "Cùng với các yếu tố khó lường khác, tăng giá xăng tạo áp lực rất lớn với lạm phát. Chính phủ và các bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI" - Phó Vụ trưởng Đỗ Thị Ngọc lưu ý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét