Thứ Sáu

Đại án Phạm Công Danh: Triệu tập 200 người, 70 luật sư tham gia tố tụng

Trong giai đoạn 2 của vụ án, Phạm Công Danh được xác định đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên của mình thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập các hồ sơ khống để vay tiền tại 3 ngân hàng lớn, gây thiệt hại cho Ngân hàng xây dựng (VNCB) hàng ngàn tỷ đồng.  
Theo kế hoạch từ ngày 8.1 – 7.2.2018, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh) cùng đồng phạm về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Đáng chú ý, ngoài Phạm Công Danh cùng các thuộc cấp tại Ngân hàng VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh còn có một số lãnh đạo của ngân hàng Sacombank như Trầm Bê, Phan Huy Khang do liên quan đến việc cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng.

Tham dự phiên tòa có hơn 70 luật sư được cấp giấy chứng nhận bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Phiên tòa sẽ triệu tập khoảng 200 người tham gia với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Trong đó, có một số đại gia sẽ được triệu tập như: Ông Trần Quý Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Trần Quý Thanh), bà Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín), ông Trần Bắc Hà (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV), bà Vũ Bạch Yến (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CBBank)…

Đại án Phạm Công Danh: Triệu tập 200 người, 70 luật sư tham gia tố tụng

Phạm Công Danh cùng đồng phạm tại phiên tòa xét xử giai đoạn 1 của vụ án.

Theo hồ sơ, năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng VNCB và nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống vay vốn tại các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV; đồng thời dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng trên để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay. Sau đó bị 3 ngân hàng thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB với tổng số tiền hơn 6 ngàn tỷ đồng.
Do các công ty làm hồ sơ vay khống không thực hiện kinh doanh theo phương án cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. Còn VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được số tiền bảo lãnh từ các công ty. Từ đó dẫn đến thiệt hại cho VNCB hơn 6 ngàn tỷ đồng.

Cụ thể, hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gửi tiền sang Ngân hàng Sacombank, cho vay, bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty gây thiệt hại cho VNCB trên 1.835 tỷ đồng;  hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi tại Ngân hàng TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty vay mốn để mua trái phiếu tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.740 tỷ đồng. Hành vi cố ý làm trái của Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV bảo lãnh và trả nợ cho 12 công ty của mình vay vốn, gây thiệt hại trên 2.550 tỷ đồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét