Góp ý vào dự án Luật Chăn nuôi, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa Lê Xuân Thân cho biết, ông rất băn khoăn vì nếu thể hiện như quy định trong dự luật này thì "sẽ cho ra 1 cái nghề rất lạ là nghề thụ tinh nhân tạo"…
Chiều nay, 14-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Chăn nuôi. Đáng chú ý, tại mục 1 điều 41 của dự luật này quy định về hành nghề chăn nuôi nêu rõ: "Hành nghề chăn nuôi gồm nghề lấy mẫu thức ăn chăn nuôi và thụ tinh nhân tạo". Mục 2 quy định "Cá nhân hành nghề chăn nuôi phải có chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp".
Vẫn ở điều 41 quy định về điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề, dự thảo luật viết: "Đối với người hành nghề thụ tinh nhân tạo phải có trình độ từ trung cấp trở lên chuyên ngành chăn nuôi, thú y, công nghệ sinh học, được đào tạo về thụ tinh nhân tạo".
Phát biểu tại Quốc hội về quy định này, ĐB Lê Xuân Thân, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đề nghị ban soạn thảo dự án Luật Chăn nuôi phải viết lại, thể hiện lại nội dung trên cho rõ ý. "Đọc dự luật viết như thế này, tôi hiểu rằng luật sẽ cho ra đời một nghề rất lạ là nghề thụ tinh nhân tạo" – ĐB Thân nói.
Cũng theo ĐB Lê Xuân Thân, một điểm nữa mà ông rất băn khoăn là dự thảo Luật chăn nuôi đưa ra quy định về "quyền vật nuôi". ĐB này chia sẻ, theo cách hiểu của cá nhân ông thì quy định "quyền vật nuôi" nhằm đối xử nhân đạo với các vật nuôi, điều này là cần thiết song nếu sử dụng từ "quyền vật nuôi" thì rõ ràng là không chính xác.
"Tôi cho rằng nói đến quyền là đi đôi với nghĩa vụ, nhưng nói đến quyền thì gắn với con người chứ không nói đến con vật hoặc cây trồng" - ông Thân bày tỏ.
Ngoài ra, một số ĐBQH cũng cho rằng, dự thảo Luật chăn nuôi chia các loài vật nuôi thành 4 nhóm gồm: gia súc, gia cầm, động vật làm cảnh và động vật hoang dã. Nhưng hiện nay trong xã hội có rất nhiều vật nuôi lạ như nuôi dế, nuôi giun… thì không biết xếp vào loại vật nuôi nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét